Chính phủ điện tử

Ngày nay, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia. Xây dựng Chính phủ điện tử trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất cứ Chính phủ nào nhằm cho phép người dân tương tác và nhận được các dịch vụ từ Chính phủ 24/7. Đồng thời tăng tính minh bạch, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, góp phần làm giảm tiêu cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Xác định vai trò quan trọng của công nghệ thông tin (CNTT) trong phát triển đất nước, Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành trung ương đảng về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Trong đó coi phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng ngành, từng lĩnh vực. Một trong ba trọng tâm chính là nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, dịch vụ sự nghiệp công và coi Chính phủ điện tử là trung tâm. Các chỉ tiêu quan trọng theo hướng này đã được xác định:

  • Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai 100% vào năm 2013 tại tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương;
  • Bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đạt mức trên 60%;
  • Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 60% vào năm 2015;
  • 60% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện trên mạng điện tử;
  • 100% Cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp huyện trở lên có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định;
  • Cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2 và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp.

Đến năm 2015, việc phát triển Chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả như: Tất cả các cơ quan ngang Bộ (22/22) và các tỉnh thành phố (63/63) có Trang/ Cổng thông tin điện tử. Đa số các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 2. Nhiều cơ quan ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa, giúp tăng năng suất, hiệu quả xử lý thủ tục hành chính. Một số hệ thống thông tin chuyên ngành bắt đầu có hiệu quả như Thuế, Hải quan, BHXH điện tử, … Tỷ lệ các cơ quan triển khai hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành khá cao (khoảng 90% các đơn vị trực thuộc các Bộ, Sở, Ngành, Quận, Huyện đã trang bị hộp thư điện tử và hầu hết các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Văn phòng UBND tỉnh, trên 60% Quận, Huyện đã trang bị hệ thống quản lý văn bản điều hành).

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp còn một số tồn tại như: Phần lớn dịch vụ công trực tuyến đều ở mức độ 1, 2. Số lượng dịch vụ công mức độ 3 tuy tăng hàng năm nhưng vẫn còn ít (không quá 1% dịch vụ công trực tuyến). Các hệ thống thông tin chưa kết nối rộng, nhiều cửa. Hạ tầng kỹ thuật CNTT vẫn chưa đảm bảo nhu cầu thực tế về an toàn, an ninh, bảo mật, … Do vậy, tiềm năng ứng dụng hạ tầng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng trong các ứng dụng dịc vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng NewTel-CA cam kết mang lại cho khách hàng các giải pháp ứng dụng chữ ký số trong lĩnh vực Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến của các Bộ/Ban/Ngành, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, … với chất lượng dịch vụ tốt nhất, tiết kiệm chi phí và mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng/đối tác.

Một số thuật ngữ về chính phủ điện tử (Tham khảo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011).

  • Trang thông tin điện tử: Là trang thông tin hoặc một tập hợp trang thông tin trên môi trường mạng phục vụ cho việc cung cấp, trao đổi thông tin.
  • Cổng thông tin điện tử: Là điểm truy cập duy nhất của cơ quan trên môi trường mạng, liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và các ứng dụng mà qua đó người dùng có thể khai thác, sử dụng và cá nhân hóa việc hiển thị thông tin.
  • Dịch vụ hành chính công: Là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực mà cơ quan Nhà nước đó quản lý. Mỗi dịch vụ hành chính công gắn liền với một thủ tục hành chính để giải quyết hoàn chỉnh một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân.
  • Dịch vụ công trực tuyến: Là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan Nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
    • Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: Là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.
    • Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
    • Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
    • Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
  • Cơ quan chủ quản cổng thông tin điện tử: Là các cơ quan Nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này (sau đây gọi tắt là cơ quan chủ quản).
  • Dữ liệu đặc tả (Metadata): Là những thông tin mô tả các đặc tính của dữ liệu như nội dung, định dạng, chất lượng, điều kiện và các đặc tính khác nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tìm kiếm, truy cập, quản lý và lưu trữ dữ liệu.